Có bao giờ bạn cảm thấy áp lực...vì được yêu thương?

 Bài viết số 18

6g30 sáng 06.07.2025, Tp. Hồ Chí Minh

Khi sự chăm sóc của người thân trở thành gánh nặng với bản thân.

    Nghe có vẻ ngược đời. Nhưng thực sự có những lúc, chính tình thương và sự hy sinh từ những người thân yêu lại trở thành gánh nặng đè nặng lên vai mình – âm thầm và dai dẳng.

Tôi từng (và có lẽ vẫn đang) sống trong cảm giác ấy.

    Từ nhỏ, tôi mang trong mình ước mơ làm bác sĩ. Ước mơ ấy không chỉ là của riêng tôi, mà còn là hy vọng và mục tiêu mà gia đình tôi đã âm thầm nâng niu, đặt vào tôi. Trong một gia đình nông dân đông con, ở một vùng quê xa xôi từng được gọi là “Khu vực III”, việc tôi có thể bước vào đại học y, rồi trở thành bác sĩ tại một bệnh viện tuyến trung ương ở TP.HCM, là một hành trình đầy nỗ lực – không chỉ của tôi, mà còn của ba mẹ, của anh chị.

    Họ đã đầu tư cho tôi tất cả những gì có thể: tiền bạc, thời gian, sức lực, hy sinh. Có những điều mà sau này lớn lên tôi càng thấu: là nhiều đêm trong nhiều năm ba mẹ làm việc từ sớm đến tận khuya, với bụi màu, là tằn tiện chắt bóp, lao lực đến bệnh vẫn phải ráng, là khi tôi quay xe chọn y ba mẹ vài lo lắng nhiều bạc tóc, người yếu đi, da sạm, tổn hại bản thân thật nhiều... Vậy nên tôi luôn mang trong mình một tâm lý: phải thành công, phải báo đáp, phải làm cho đáng với những hy sinh ấy.

    Nhưng khi đã qua tuổi 30, tôi vẫn thường xuyên thấy mình… chưa đủ.Không đủ giỏi. Không đủ tốt. Không đủ thành công. Không đủ để khiến ba mẹ tự hào. Không đủ để sống xứng đáng với những gì tôi đã nhận.

    Tôi không dám than vãn. Tôi không chia sẻ thật về mức lương khiêm tốn của mình – chỉ tầm 10–20 triệu đồng, thấp hơn nhiều so với tưởng tượng của hàng xóm hay những lời đồn đoán. Tôi biết nếu nói ra, ba mẹ sẽ buồn. Vì với họ, bác sĩ ở Sài Gòn chắc phải sung túc lắm. Nhưng thực tế, tôi vẫn đang vật lộn để sống tử tế ở thành phố này – với một công việc đúng chuyên môn nhưng thu nhập không tương xứng.

    Tôi sợ lập gia đình. Sợ có con. Vì nếu chính mình còn chưa đủ sức lo cho bản thân, thì làm sao lo thêm cho người khác? Tôi càng không dám nghĩ đến chuyện mời ba mẹ già vào ở cùng, khi đến cả một căn hộ nhỏ tôi vẫn chưa thể mua nổi.

    Tối qua, tôi xem một bộ phim có tên "Yêu em không cần lời nói". Trong đó, có câu chuyện về hai chị em. Cô chị đã hy sinh tuổi trẻ để làm mọi thứ vì giấc mơ bơi lội của em gái – đưa đón, kiếm tiền, chăm sóc. Nhưng rồi, cô em bắt đầu hoang mang: “Giấc mơ của em sao lại thành giấc mơ của chị?”

Câu thoại ấy như chạm vào điều sâu kín nhất trong lòng tôi. Tôi chợt tự hỏi: Liệu ước mơ của tôi có còn là của chính mình không? Hay từ lúc nào đó, nó đã trở thành gánh nặng của lòng biết ơn, của kỳ vọng, của trách nhiệm?

    Tôi không oán trách ai. Tôi chỉ muốn nói lên sự thật này – rằng ngay cả những điều tốt đẹp nhất, nếu không được đặt đúng chỗ, cũng có thể trở thành điều làm người ta nghẹt thở.

    Tôi biết mình may mắn khi được yêu thương. Nhưng cũng như cô gái trong phim, tôi đôi khi thấy… mệt. Tôi muốn được sống thật, rằng tôi vất vả, tôi không tương xứng với đầu tư của người thân yêu. Tôi sợ lắm, sợ thất bại khi theo đuổi ước mơ, tôi đôi khi thấy mình không được là mình.

    Có lẽ, điều chúng ta cần nhất, không phải là ai đó chăm sóc cho ta đến mức quên mình, mà là một sự đồng hành dịu dàng – đủ để ta được là chính mình, dù thành công hay thất bại.

    Và sự đồng hành đó tốt cho cả người được yêu thương và người yêu thương để không mang nặng cảm giác ai đó đã hy sinh cho mình.


Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Ước mơ làm tiếp viên hàng không, Và quyết tâm thành bác sĩ

Tình yêu, tình dục, hệ quả (2)

Tình yêu, tình dục, hệ quả (1)